Hãng dược phẩm Insys Therapeutics (Mỹ) đã tuyên bố nộp hồ sơ phá sản trong ngày 10-6 và sẽ bán nhiều tài sản sau khi rơi vào cảnh điêu đứng cả về tài chính lẫn pháp lý vì bê bối thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid.
Theo hãng tin AFP, tính đến cuối phiên giao dịch 10-6 (giờ Mỹ), cổ phiếu của Insys lao dốc mất đến 52%, chỉ còn 0,63 USD/cổ phiếu. Trước khi bê bối vỡ lở, giá cổ phiếu thời điểm tháng 1-2018 của Insys là 13,38 USD/ cổ phiếu.
Trong hồ sơ nộp lên tòa án chuyên về phá sản ở Delaware ngày 10-6, Insys định giá tài sản từ 100 triệu tới 500 triệu USD. Công ty này cũng cho biết sẽ tôn trọng cam kết chi trả tiền lương cho nhân viên và duy trì hoạt động bình thường trong khi cố gắng đảm bảo thanh toán đầy đủ cho các nhà cung cấp và các bên đại lý.
Bỏ tiền mua bác sĩ
Hồi tuần trước, hãng dược phẩm có trụ sở chính tại bang Arizona này đã chấp thuận chi trả khoản tiền 225 triệu USD để dàn xếp các cuộc điều tra dân sự và hình sự liên quan tới hoạt động tiếp thị sản phẩm thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện thuộc nhóm opioid.
Nhà sáng lập Insys là ông John Kapoor và 4 cựu giám đốc điều hành khác của hãng cũng bị buộc tội dính líu với việc hối lộ các bác sĩ một cách hệ thống để những người này kê đơn thuốc giảm đau Subsys thuộc nhóm oipoid kể cả khi người bệnh không cần đến và với liều dùng cao hơn khuyến cáo.
Theo báo Slate, từ năm 2012, Insys từng thu lợi nhuận hàng trăm triệu USD từ thuốc Subsys, loại thuốc xịt đường miệng có chứa fentanyl, giúp giảm đau mạnh gấp 50 lần so với heroin. Nhưng loại thuốc "hái ra tiền" này cũng là nguyên nhân của hơn 900 trường hợp chết vì quá liều.
Cơ quan quản lý y tế Mỹ chỉ cho phép sử dụng loại thuốc này với những bệnh nhân ung thư bị đau đớn quá nhiều.
Cũng bởi loại thuốc xịt Subsys nguy hiểm quá nên chỉ các bác sĩ có qua đào luyện chuyên biệt mới được phép viết toa loại thuốc này.
Nhưng vì muốn nhanh chóng mở rộng thị trường để thu lợi nhuận, ban lãnh đạo của Insys đã chủ trương hối lộ tiền cho nhiều bác sĩ để họ ghi toa cho cả những trường hợp đau nhẹ, như nhức đầu hoặc đau lưng, mà không thèm lường đến những biến chứng có thể xảy đến.
Cũng từ khi loại thuốc Subsys được sử dụng rộng rãi, nhiều vụ kiện tụng đã xảy ra, sau vụ việc của gia đình bà Sarah Fuller, một nữ bệnh nhân 30 tuổi sử dụng Subsys chống đau từ sau tai nạn xe hơi. Bà Sarah đã qua đời một năm sau đó với tỉ lệ fentanyl trong máu ở mức gây chết người.
Gần 400.000 người tử vong trong 20 năm
Trong thông báo đưa ra ngày 10-6, Insys cho biết hãng dự định tiếp tục hoạt động khi tìm kiếm các biện pháp bảo hộ phá sản nhưng sẽ bán "hầu như toàn bộ" tài sản dưới sự giám sát của tòa án để chi trả cho các chi phí dàn xếp điều tra.
Giám đốc điều hành Insys Andrew Long nêu rõ sau khi xem xét kỹ các lựa chọn, hãng quyết định chọn phương án tốt nhất là bán tài sản được tòa giám sát để đảm bảo giá trị tối đa và để giải quyết các thách thức pháp lý một cách công bằng và minh bạch.
Ngoài khoản tiền nộp cho Bộ Tư pháp Mỹ, hãng này còn phải chi trả hàng triệu USD các chi phí luật pháp khác.
Cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ bắt đầu nổ ra trong vài năm trở lại đây, chủ yếu bắt nguồn từ việc kê đơn quá liều các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, kể cả morphin.
Trong 3 năm qua, những người nghiện thuốc giảm đau buộc phải chuyển sang dùng heroin và thuốc giảm đau chứa ma túy có tác động mạnh khi nhà chức trách siết chặt việc bán thuốc giảm đau theo đơn.
Số liệu thống kê cho thấy các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như fentanyl có liên quan đến gần một nửa số ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều hiện nay, tăng từ mức 1/3 chỉ trong vòng 1 năm.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do sử dụng quá liều thuốc có gốc từ thuốc phiện.
Viện Nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ cho biết hơn 70.000 người dân nước này đã tử vong do lạm dụng thuốc vào năm 2017, trong đó có 47.000 người là nạn nhân của các loại thuốc có gốc từ thuốc phiện và 28.400 người chết vì sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa ma túy và các loại thuốc tương tự.
Thống kê cho thấy trong hai thập kỷ qua, gần 400.000 người đã tử vong vì dùng thuốc quá liều, thông qua việc kê đơn của bác sĩ hoặc dùng trái phép.
"Huyền thoại nhạc Pop" Prince và rocker Tom Perry cũng là hai trong số những nạn nhân tử vong do lạm dụng loại thuốc giảm đau này.
Năm 2017, nước Mỹ đã phải chi 115 tỉ USD để điều trị cho những người nghiện opioid và chăm sóc số trẻ em có cha mẹ bị mất sức lao động hoặc tử vong vì opioid.
Vào tháng 10-2018, Tổng thống Donald Trump đã phải ký một dự luật nhằm ngăn chặn "đại dịch opioid" vốn khiến quốc gia này tiêu tốn hàng ngàn tỉ USD để khắc phục hậu quả về sức khỏe cho những người nghiện opioid suốt gần 20 năm qua.
Theo: tuoitre.vn