Mở quầy thuốc tây cần bao nhiêu tiền? Đây là một trong những câu hỏi đầu tiên mà các cá nhân, dược sĩ, bác sĩ đang có ý định mở quầy thuốc băn khoăn. Tạm gác lo lắng qua một bên và theo dõi hướng dẫn chi tiết ngay sau đây nhé.
Mở quầy thuốc tây cần bao nhiêu tiền?Không như những mô hình kinh doanh khác như quán cà phê, quán ăn, nhà hàng, cửa hiệu may mặc…, việc kinh doanh nhà thuốc cần những yêu cầu đặc thù riêng. Cụ thể như quy định giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh, chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc (GPP)…. Tuy nhiên nếu xét về chi phí đầu tư để kinh doanh nhà thuốc, thì cũng tương tự như các ngành nghề khác.
Vậy, mở quầy thuốc tây cần bao nhiêu tiền? Một đáp án chính xác 100% thì thật khó nói. Bởi mỗi quy mô nhà thuốc cũng như hướng kinh doanh các mặt hàng tại mỗi nhà thuốc sẽ có sự khác nhau, nên mức chi phí đầu tư sẽ khác nhau.
Ví dụ như nếu bạn kinh doanh quầy thuốc tây quy mô nhỏ tại vùng nông thôn, chi phí cho mở quầy thuốc sẽ thấp hơn so với một quầy thuốc ở nơi đông dân cư.
Hoặc nếu bạn muốn mở chuỗi hiệu thuốc tây, thì đương nhiên mức đầu tư sẽ lớn hơn hẳn so với bạn làm chủ 1 cửa hiệu.
Mở quầy thuốc tây cần bao nhiêu tiền? Cần chi những gì?
1. Chi phí cho tiền thuê mặt bằngChi phí này áp dụng đối với những chủ nhà thuốc chưa có mặt bằng kinh doanh và phải đi thuê. Chi phí này còn phụ thuộc vào vị trí kinh doanh nhà thuốc như đã nói ở trên.
Trung bình, chi phí thuê mặt bằng tại vùng nông thôn thường là 3 đến 5 triệu một tháng. Riêng các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, chi phí này có thể là từ 5 đến hơn 10 triệu đồng, tùy vào vị trí khu dân cư, quy mô cửa hiệu.
2. Chi phí cơ sở vật chấtĐây là chi phí thiết yếu mà bất kỳ đơn vị kinh doanh nhà thuốc nào cũng cần phải chuẩn bị. Trong đó, một số vật dụng cơ bản nhất và không thể thiếu đó là: tủ thuốc lớn và nhỏ, bàn tư vấn, bảng hiệu, máy tính, tủ lạnh bảo quản thuốc, cân y tế….
Trung bình chi phí tối thiểu để đầu tư cơ sở vật chất thường là 40 triệu đồng cho một cửa hiệu thuốc vừa và nhỏ.
3. Chi phí nhân sựNếu bạn mở quầy thuốc quy mô nhỏ, muốn tự quản lý thì có thể bỏ qua chi phí này. Riêng đối với các nhà thuốc quy mô vừa và lớn, thì cần phải có ít nhất 2 người để trông coi và bán thuốc.
Tuy nhiên việc kê đơn thuốc và bán thuốc đòi hỏi phải có chuyên môn vững vàng. Tốt nhất hãy chọn một người có kinh nghiệm trong nghề để yên tâm hơn.
Mức lương phổ biến cho vị trí này thường là từ 7 đến 10 triệu đồng trên tháng đối với những người có kinh nghiệm.
4. Chi phí nhập hàngTheo một số khảo sát thị trường, chi phí nhập hàng hóa bao gồm dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc Đông dược, dụng cụ y tế…. trung bình tại một cửa hàng thuốc mới mở tối thiểu là khoảng 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, để hạn chế được mức chi phí này cũng như giúp hàng hóa được bán nhanh hơn, quý nhà thuốc mới khi nhập hàng cần lưu ý một số vấn đề như sau;
– Chọn nhà sản xuất uy tín,tránh mua nhầm thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
– Nhập những sản phẩm thiết yếu thuộc tệp khách hàng mình hướng đến;
– Nhập hàng với lượng vừa phải để khảo sát thị trường;
– Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của các sản phẩm nhập về. Chọn những sản phẩm có hạn sử dụng dài hạn.